Cẩm nang đi du lịch biển Sầm Sơn - Thanh Hoá

Cách đây khoảng 6000 năm đã có người sinh sống tại Thanh Hóa. Các di chỉ khảo cổ cho thấy nền văn hóa xuất hiện đầu tiên tại đây là văn hóa Đa Bút.

Sang đầu thời đại kim khí, thuộc thời đại đồ đồng, qua các bước phát triển với các giai đoạn trước văn hóa Đông Sơn.

Thanh Hóa đã trải qua một tiến trình phát triển với các giai đoạn văn hoá: Cồn Chân Tiên, Đông Khối - Quỳ Chữ tương đương với các văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun ở lưu vực sông Hồng.

Và sau đó là nền văn minh Văn Lang cách đây hơn 2.000 năm, văn hoá Đông Sơn ở Thanh Hóa đã toả sáng rực rỡ trong đất nước của các vua Hùng.

Thanh Hóa ngày nay

Thanh Hóa là tỉnh thành phía Bắc của vùng đất miền Trung. Thanh Hóa cách thủ đô Hà Nội khoảng 150km về phía Nam và cách thành phố Hồ Chí Minh 1.560 km về hướng Bắc.

Diện tích tự nhiên của Thanh Hóa là 11.106 km², chia làm 3 vùng: đồng bằng ven biển, trung du, miền núi. Thanh Hóa có thềm lục địa rộng 18.000 km².

Thanh Hóa là tỉnh chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam trên nhiều phương diện. Về hành chính, Thanh Hóa là tỉnh cực bắc Trung Bộ, tiếp giáp với Tây Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ.

Vì vậy về ngôn ngữ, phần lớn người dân nói phương ngữ Thanh Hóa với vốn từ vựng khá giống từ vựng của phương ngữ Nghệ Tĩnh song âm vực lại khá gần với phương ngữ Bắc Bộ.

Thanh Hóa là một tỉnh lớn của Việt Nam, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số trong số các đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, cũng là một trong những địa điểm sinh sống đầu tiên của người Việt.

Có thể bạn quan tâm: Cẩm nang đi du lịch - Sa pa - Lào Cai

Địa hình

Về địa chất, miền núi Thanh Hóa là sự nối dài của Tây Bắc Bộ trong khi đồng bằng Thanh Hóa là đồng bằng lớn nhất Trung Bộ, ngoài ra một phần nhỏ ở phía bắc huyện Nga Sơn thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng.

  • Phía bắc giáp ba tỉnh: Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình.
  • Phía nam và tây nam giáp tỉnh Nghệ An.
  • Phía tây giáp tỉnh Hủa Phăn nước Lào với đường biên giới 192 km.
  • Phía đông Thanh Hóa mở ra phần giữa của vịnh Bắc Bộ thuộc biển Đông với bờ biển dài hơn 102 km.

Khí hậu

Về khí hậu, Thanh Hóa vừa có kiểu khí hậu của miền Bắc lại vừa mang những hình thái khí hậu của miền Trung.

Dân cư

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, nhưng chủ yếu có 7 dân tộc là Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú. Người Kinh chiếm phần lớn và sống ở đồng bằng, các dân tộc thiểu số lại ở miền núi.

Văn hóa, văn nghệ dân gian

Văn hóa, văn nghệ dân gian của Thanh Hóa có nhiều hình thức văn hóa truyền thống, phần nhiều vẫn còn tồn tại và đang được phát huy.

  • Về dân ca, dân vũ, được nhiều người biết đến nhất là các làn điệu hò sông Mã, dân ca, dân vũ Đông Anh, trò diễn Xuân Phả.
  • Ngoài ra còn có ca trù, hát xoan... Các dân tộc ít người cũng có nhiều loại hình văn nghệ dân gian khá đa dạng như hát xường của người Mường, khắp của người Thái...
  • Kho tàng truyện cổ cũng khá đặc sắc như truyện cổ về sự tích về các ngọn núi, truyện dân gian của ngư dân ven biển Hậu Lộc, Sầm Sơn, Tĩnh Gia. Đặc biệt là các sự tích về nguồn gốc dân tộc Mường.
  • Các lễ hội cũng rất đặc sắc như lễ hội Pôồn Pôông của người Mường, lễ hội cầu ngư, lễ hội đền Sòng...
Có thể bạn quan tâm: Các điểm tham quan tại Ninh Bình

Ẩm thực địa phương

Đến Thanh Hóa du khách sẽ được thưởng thức những món đặc sản độc đáo nổi tiếng cả nước của xứ Thanh như: 

  • Nem chua Thanh Hóa
  • Chè lam Phủ Quảng
  • Dê núi đá
  • Gà đồi Vĩnh Lộc
  • Bánh gai Tứ Trụ
  • Hến làng Giàng bánh
  • Đa cầu Bố
  • Mía đen Kim Tân
  • Thịt trâu nấu lá lồm
  • Chim mía
  • Các món hải sản: cua biển, ghẹ, sò huyết, tôm, mực, cá thu, cá tràu từ các huyện ven biển Sầm Sơn, Tĩnh Gia, Nga Sơn

Quà tặng đặc sản Thanh Hóa

Món đặc sản du lịch của Thanh Hóa được du khách thập phương biết đến nhiều nhất có lẽ là nem chua.

Nem chua Thanh Hóa được làm từ thịt nạc, bì thái chỉ, hạt tiêu, ớt, tỏi và lá đinh lăng, gói bên ngoài bởi rất nhiều lớp lá chuối.

Thịt nạc được chọn là loại thật nạc, ngon, tươi, không dính mỡ, không dính gân, trộn đều với bì luộc thái chỉ, gia vị.

Không thể thiếu một chút ớt cho thêm đậm đà, tiêu để dậy mùi, một chút tỏi để khử trùng và một vài lá đinh lăng.

Nem chua Thanh Hóa có hương vị rất khác lạ so với nem chua Hà Nội hay nem lụi ở Huế, lại càng khác xa với nem rán hay nem tai.

Nó có vị chua, cay, ngọt, mặn và dậy mùi thơm khiến du khách đã ăn một lần khó có thể quên.

Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng về du lịch. Năm 2007 du lịch Thanh Hóa năm đón tiếp gần 1,7 triệu lượt khách, chủ yếu là khách trong nước đến tham quan nghỉ mát tại đô thị du lịch biển Sầm Sơn.

Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa xác định đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, gồm các khu du lịch, di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng của tỉnh:

  • Các khu du lịch biển: Bãi biển Sầm Sơn, Bãi biển Hải Hòa.
  • ·Các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia: Bến En, Ba Bể, Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương ... vườn Bến En có tầm cỡ thực sự về tiềm năng du lịch sinh thái.
Có thể bạn quan tâm: Cẩm nang du lịch Tây Nguyên

Vườn Bến En

Khu bảo tồn sinh thái trải rộng trên 2 huyện Như Xuân và Như Thanh với tổng diện tích 16.634ha, chia làm 3 khu vực chính, trong đó khu bảo tồn nguồn gen là nơi 'cấm địa' của vườn (chỉ những nhà khoa học mới được phép tìm hiểu, nghiên cứu).

Ở đây hệ thực vật rất phong phú với hàng trăm loài, bộ, họ (Có họ có tới 10 loài) như các loại cây lim xanh rất đặc trưng (có cây lên tới cả ngàn tuổi) cây trò trĩ và các loài thuốc nam quý …

Tính đặc trưng của vườn có những nét đẹp và phong phú rất khác các vườn quốc gia khác. Hệ động vật cũng vậy, các loài quý hiếm ở đây là voi, hổ, gấu, chim …tồn tại trong 37 bộ, 96 họ, 216 giống và 309 loài, các loài Voi, Vượn má trắng, hổ ...thuộc loại quý hiếm đang được bảo vệ.

Không gian du lịch sinh thái dường như gần gũi với du khách hơn cả. Khu này gồm lòng hồ được hình thành bởi 4 con suối và con sông Mực có diện tích rộng khoảng 3.500 ha, nước bốn mùa xanh biếc, tĩnh lặng trong quần thể không gian trời, mây, non, nước hữu tình.

Du khách sẽ thoả lòng khi đến thăm 21 hòn đảo với những sắc thái rất khác nhau bằng các chuyến ca nô, xuồng máy ...Đặc biệt, tại đây có 8 tuyến đi du lịch trên hồ thăm các ốc đảo.

Trong 8 tuyến đi tùy theo sự lựa chọn của khách tuyến ngắn nhất là 1,5km và tuyến dài nhất 8,5km. Du khách có thể đến thăm đảo động vật, đảo thực vật, chiêm ngưỡng hang Dơi, ngắm cảnh hang động với nhiều hình thù kỳ lạ được sắp đặt bởi bàn tay của tạo hoá.

  • Du khách có thể đi vào các bản làng của người H'Mông, người Thổ uống rượu cần … hoàn toàn phù hợp với tour du lịch cộng đồng.
  • Tham quan các đảo động vật, các loài thú được bảo vệ, nuôi nấng theo hình thức bán hoang dã nên mọi hoạt động sinh hoạt của nó đều tự nhiên đến lý thú. Trong đảo thực vật bao gồm tất cả các loài cây có tên ở Việt Nam, được trồng phân theo từng loại, từng bộ, họ … đã phục vụ rất tốt cho các nhà khoa học, ngành lâm nghiệp, môi trường sinh thái và khách du lịch
  • Cụm núi đá Hải Vân tồn tại song song với 21 hòn đảo trong lòng hồ, cụm di tích hang Lò Cao kháng chiến - nơi Giáo sư Trần Đại Nghĩa từng chế tạo vũ khí từ năm 1945 phục vụ kháng chiến chống Pháp.
  • Du khách du lịch có thể đến Phủ Sung, Phủ Na - nơi nhân dân vẫn thường tổ chức phường hội cúng tế trời đất … Tiếp đó là quần thể thắng cảnh hang Ngọc, cây lim trăm tuổi như biểu tượng của vườn. Trong hang Ngọc, một suối nước trong vắt, theo quan niệm nếu tắm được ở đây có nghĩa là đã cởi bỏ được những tục trần nặng nhọc nhất của cuộc sống đời thường.

Đến Bến En, dù là du lịch sinh thái, song nếu đặt trước vẫn có thể được hưởng những món ăn đặc sản như: món cá quả, cá mè…rất to được bắt từ sông Mực có thể nướng hoặc luộc, hấp … Mùa hè có thể ăn thêm món trai dắt vách đá đặc biệt mang hương vị của rừng.

Bến En hôm nay đang được quan tâm chú ý đúng mức, đến khả năng du lịch sinh thái và nhiệm vụ bảo tồn.

Với những thế mạnh vốn có, có thể khẳng định Vườn Quốc gia Bến En với đảo, rừng, sông, suối, hồ nước, hang động và sự trân trọng của con người, Bến En sẽ là điểm du lịch sinh thái lý tưởng.

Có thể bạn quan tâm: Cẩm nang du lịch Tp. Hồ Chí Minh

Vườn quốc gia Cúc Phương

Cách thủ đô Hà Nội 120km về phía nam, nằm lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp, có một mảnh đất đã trở lên vô cùng quen thuộc, thân thương, gợi lên tính hiếu kỳ cho biết bao du khách trong và ngoài nước, đó là Vườn quốc gia Cúc Phương - Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam.

Được thành lập ngày 07 tháng 07 năm 1962 theo Quyết định số 72-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hoá với tổng diện tích là 22.200 ha.

Vườn quốc gia Cúc Phương có nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá, lịch sử nên từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.

Vườn quốc gia Cúc Phương mang khí hậu đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm. Vì thế là địa điểm sinh sống tốt và đa dạng các loài động thực vật.

  • Cúc Phương có quần hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, theo số liệu điều tra gần đây Cúc Phương có hơn 2000 loài thực vật bậc cao, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam.
  • Về động vật, Cúc Phương có 122 loài bò sát và lưỡng cư, 65 loài cá, gần 2000 loài côn trùng, 133 loài thú (trong đó có loài voọc đen mông trắng là loài thú linh trưởng rất đẹp và quý hiếm được chọn làm biểu tượng của VQG Cúc Phương).
  • Hơn 300 loài chim cư trú, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương, vì vậy Cúc Phương từ lâu đã trở thành điểm lý tưởng đối với các nhà xem chim.

Phong cảnh Cacxtơ và giá trị khảo cổ. Thuộc địa hình Caxtơ nửa che phủ, Cúc Phương có nhiều hang động đẹp với những cái tên gợi cảm như: động Sơn cung, động Phò mã giáng…

Đặc biệt có một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử, sống cách ngày nay từ 7.500 năm đến 12.000 năm, đó là hang Đắng (động người xưa), hang con Moong.

Năm 2000 Cúc Phương đã phát hiện một hóa thạch của loài động vật có xương sống, theo kết luận ban đầu của Viện cổ sinh học Việt Nam đây là hóa thạch của loài bò sát răng phiến, sống cách ngày nay chừng 200 đến 230 triệu năm.

Từ xa xưa, Cúc Phương là nơi cư trú và sinh sống của cộng đồng người Mường với những nét văn hoá độc đáo và đặc trưng, đó là những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, những cối giã gạo nương, những khung dệt thổ cẩm, độc đáo hơn là những lễ hội, phong tục tập quán và nếp sống của cộng đồng mà du khách có thể cảm nhận được trong thời gian thăm bản.

Có thể bạn quan tâm: Kinh nghiệm chống say xe hiệu quả nhất

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông hiện đang lưu giữ những giá trị cảnh quan thiên nhiên phong phú, hệ động thực vật đa dạng, là điểm đến hấp dẫn với những ai ưa thích khám phá thiên nhiên…

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông có diện tích 17.662 ha, hiện là khu vực rừng núi đá vôi đất thấp lớn nhất còn lại ở miền Bắc Việt Nam với 3 kiểu rừng chính: Rừng rậm trên đất thấp, núi thấp; rừng trên núi đá vôi; các thảm thực vật măng tre nứa và cây bụi. 

  • Pù Luông, hiện Khu bảo tồn có 1.109 loài cây có mạch, thuộc 447 chi, 152 họ, trong đó có 42 loài là đặc hữu Việt Nam và 4 loài xếp trong Sách đỏ Thế giới; gần 600 loài động vật gồm thú, chim, lưỡng cư..., với 51 loài động vật quý hiếm và đặc hữu xếp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới, trong đó thú 26 loài, dơi 5 loài, chim 9 loài, cá nước ngọt 5 loài, bò sát 6 loài.
  • Đặc biệt Pù Luông là nơi có quần thể linh trưởng mang tính đặc hữu Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) lớn thứ hai ở Việt Nam. Chạy xuyên suốt

Đến Pù Luông, du khách có nhiều sự lựa chọn như khám phá vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, những khu rừng sinh thái với hệ động thực vật phong phú, tìm hiểu phong tục, tập quán của người Thái, người Mường giản dị, mộc mạc ở nơi này.

Với những ai ưa thích mạo hiểm, chuyến leo núi chinh phục đỉnh Pù Luông, ngọn núi cao nhất vùng với độ cao 1700m sẽ là một trải nghiệm khó quên.

Những khó khăn, vất vả sau một chặng leo núi hơn 5 tiếng dường như tan biến khi được ngắm từ trên cao vẻ đẹp hùng vĩ của thung lũng Pù Luông.

Nếu chọn cách chạy xe dọc đường 15C, dù theo hướng nào, du khách cũng được hòa mình với thiên nhiên, qua những bản làng dựa lưng vào núi, những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp xen kẽ những khu rừng nguyên sinh xanh mướt. 

Đến với bản Kho Mường, ngoài cảnh quan, địa thế hùng vĩ, du khách được khám phá hang động với những nhũ đá huyền bí.

Một địa danh không thể bỏ qua khi đến Pù Luông là bản Hiêu. Trên con đường không xa từ thị trấn Phố Đoàn vào bản, du khách có thể bắt gặp rất nhiều guồng nước đặc trưng của người Thái.

Qua cầu treo, vượt lên con dốc trên đồi đất, từ xa đã nghe tiếng thác nước bản Hiêu ầm ầm đổ. Thật lạ lùng, dòng suối với những nhánh nhỏ len lỏi chảy quanh bản, ngay cạnh chân cầu thang của những nếp nhà sàn, chảy ra ruộng lúa rồi bất chợt đổ xuống tạo ra hai thác nước hùng vĩ tung bọt trắng xóa... 

Sau một ngày khám phá đất Pù Luông, du khách có thể nghỉ ngơi lưu trú trong các ngôi nhà sàn rộng rãi, thoáng mát của người dân bản địa.

Tại KBTTN Pù Luông hiện đang phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Bên bếp lửa nhà sàn, chủ và khách cùng thưởng thức các món ăn lạ miệng như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng…, cùng say men rượu cần và say mê thưởng thức những điệu múa sạp, múa xòe, hát lượn…

Đến Pù Luông, một màu xanh mướt trải đều trên các cánh rừng bất tận, ruộng bậc thang trùng điệp đem lại cho du khách cảm giác như lạc vào một thung lũng cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.

Có thể bạn quan tâm: Những cách giữ tiền an toàn nhất khi đi du lịch

Suối cá thần Cẩm Lương

Thuộc làng Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, cách thành phố Thanh Hóa hơn 70km về phía Tây, là suối cá tự nhiên và ngày nay trở thành điểm du lịch lý thú của tỉnh Thanh Hoá.

Ở đây có tới hàng ngàn con cá lớn nhỏ bám dày đặc suốt chiều dài hơn 100m của con suối. Mỗi con cá nặng trung bình từ 2 đến 8 kg, có cá chúa nặng tới 30 kg. Cá ở đây rất dạn người và thân thiện với khách du lịch.

Mặc dù rất nhiều cá nhưng điều kỳ lạ là nước suối rất trong và mát, thậm chí khách có thể dùng để rửa mặt.

Người dân ở đây tôn thờ những chú cá như các vị thần (là nguồn gốc của tên gọi "Suối cá thần"), mặc dù rất nhiều cá nhưng không ai dám bắt ăn, người ta truyền miệng nhau rằng nếu ăn thịt các ông "cá thân" thì sẽ gặp phải những điều rủi ro, bất hạnh.

Cụm di tích Nga Sơn: Động Từ Thức, Cửa biển Thần Phù, Chiến khu Ba Đình, đền thờ Mai An Tiêm...

Cụm di tích thành nhà Hồ:

Năm 1397, Hồ Quý Ly chọn đất An Tôn xây thành thủ hiểm. Thành được xây dựng ở khoảng giữa sông Mã và sông Bưởi, phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Tây có núi Ngưu Ngọa, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía Tây về và sông Bưởi chảy tới.

Thành Tây Đô được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông. Hiện nay, thành có độ cao trung bình 7m đến 8m, các cổng thành còn khá nguyên vẹn, riêng cửa nam cao tới 10m. Thành Tây Đô là bằng chứng về sức lao động và tài năng của nhân dân ta và là công trình mang nhiều giá trị lịch sử văn hóa to lớn.

Nét đặc sắc của tường thành này là ở phần xây đá bên ngoài, còn bên trong đắp đất. Mặt ngoài thành được gia cố bằng những tảng đá xanh đẽo vuông vức, công phu ít nhất có từ 4 đến 5 mặt phẳng.

Nhiều phiến rất to ở cửa Tây (dài tới 5,1m, rộng 1,59m, cao 1,30m), được xếp chồng lên nhau thành hình chữ công. Những phiến đá nặng hàng tấn chỉ xếp lên mà không cần chất kết dính vẫn đảm bảo độ bền vững.

Thành Tây Đô có 4 cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các mặt thành kỹ thuật ghép đá đạt đến trình độ cao.

Những cổng thành được xếp các phiến đá theo hình múi cam, có kích thước rất lớn. Với hai cánh cửa dày, nặng và chắc được thể hiện qua dấu vết để lại của những lỗ đục vào đá và những chỗ lắp ngưỡng cửa.

Xưa kia khi đóng, khi mở bởi những bộ cánh cửa gỗ có bánh xe lăn, then cài chốt ngang. Ba mặt thành: Đông, Tây, Bắc đều được xây một cửa cuốn vòm riêng, cửa Nam là cửa chính được xây ba vòm cuốn, vòm giữa xây to và cao hơn hai vòm bên. Hai cửa Đông, Tây đều xây rộng 5,8m; dài 13,40m.

Những tảng đá được xây ở vòng cuốn này được đẽo công phu, phẳng ở ba mặt nhưng chỉ mặt dưới được tạo nên bề mặt ở vòm cửa và phần tiếp giáp gờ bờ thành.

Riêng mặt trên đỉnh còn nhiều tảng nhấp nhô không thành hình khối gì. Nhân dân địa phương còn cho rằng, vì mặt cửa Đông, Tây có thể chưa làm xong hoặc hai cửa này không xây chòi canh nên không cần gia công kỹ.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh

Được xây dựng bởi vua Lê Thái Tổ thành Lam Kinh còn có tên là Tây Kinh. Nơi đây có lăng Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng mô tả ngắn gọn, cô đọng toàn bộ sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn.

Thành điện Lam kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu (gọi là du sơn) mặt nam nhìn ra sông - có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây.

Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m.

Về Lam Kinh du khách sẽ được thưởng thức hương vị cay cay ngọt ngọt của chè lam Phủ Quảng, một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, mật mía, trộn lẫn lạc và gừng và được nếm cái dẻo quạnh, đen nhanh nhánh của bánh gai Tứ Trụ, cái béo ngậy, giòn thơm của cá rô Ðầm Sét rán vàng; những sản phẩm nổi tiếng của Lam Kinh.

Ở xứ Thanh người ta không nói "đến" Lam Kinh mà thường nói "về" Lam Kinh. Về nhà, về với khu di tích lịch sử, về với nơi khởi nguồn của những chiến tích hào hùng. 8. Thái miếu nhà Hậu Lê

Thái miếu nhà Hậu Lê thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, có 27 thần vị và có nhiều hiện vật có từ thế kỷ 17, 18

Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật có giá trị cao của nền mỹ thuật chạm khắc thế kỷ 17.

Được lần theo từng viên ngói cổ, từng phiến đá, bâng khuâng hoài niệm về một vương triều kéo gần 400 năm.

Mà còn được một người đã 20 năm gắn bó, góp công tôn tạo, giữ gìn khu di tích này, bà Lê Thị Thái, hậu duệ của vua Lê Hiển Tông.

Trải qua thời gian và qua hai cuộc chiến tranh, Thái miếu đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện, vườn cây trong Thái miếu còn lưu giữ “phế tích” của thời chống chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Đền Bà Triệu, huyện Hậu Lộc

Đền Bà Triệu thuộc làng Phú Điền xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây là nguồn sử liệu sống động minh chứng cho cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Ngô thế kỷ thứ III của Triệu Thị Trinh – một nữ anh hùng dân tộc, một người con của huyện Quan Yên, quận Cửu Chân nay thuộc huyện Yên Định.

Cổng ngoại đền Bà Triệu – được làm bằng chất liệu bằng đá khối

Để tưởng nhớ công lao to lớn của Bà Triệu, nhân dân đã xây lăng, dựng tháp trên đỉnh núi Tùng – nơi người nữ anh hùng dân tộc họ Triệu đã ngã xuống tại vùng đất lịch sử này.

Ở phía Bắc cách đền Bà Triệu khoảng gần 1km là làng xóm trù mật, đông vui trong đó có ngôi đình làng Phú Điền cũng thờ Bà Triệu với danh nghĩa Thành hoàng làng.

Khu di tích Bà Triệu đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (Đền thờ và Lăng tháp được công nhận ngày 29/4/1979 còn đình làng Phú Điền được công nhận ngày 13/2/1996).

Đền thờ Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân.

Đền nằm trên địa bàn làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, thờ vua Lê Đại Hành - người khởi nghiệp triều Tiền Lê, có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, giữ gìn bờ cõi nước Đại Việt.

Đền có kiến trúc chữ “công”, trên nóc tiền đường có 10 con nghê bằng đất, được nung thành sành, màu đen, tựa đồng hun.

Ở điểm chót của mỗi đầu đao đều gắn một con trông dáng ngồi thu gọn như đang chầu. Đền Lê Hoàn là công trình kiến trúc thế kỷ XVII còn được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh.

Đến với đền thờ Lê Hoàn là dịp du khách được chiêm ngưỡng nghệ thuật trang trí mang phong cách dân gian với hệ thống nghê bằng đất nung, rồng chầu… được chạm khắc phô diễn trên vì nóc và các cửa,  bức bàn.

Khu di tích lịch sử Phủ Trịnh và chùa Báo Ân

Phủ Trịnh - Nghệ Vẹt là nơi Chúa Trịnh xây dựng phủ ở quê để thờ cúng và nghỉ ngơi. Phủ Trịnh là một di tích còn lại của thế lực Chúa Trịnh trong triều đại phong kiến Nhà Lê đàng ngoài.... 

Trước đây Phủ Trịnh được xây dựng trên một vùng đất rộng hàng chục mẫu, có tứ phủ: nơi Chúa làm việc, tiếp khách, khu nội phủ là nơi ở của Chúa, khu làm việc của các quan, khu thờ cúng, hồ thưởng ngoạn. Ngày nay chỉ còn lại ngôi nhà ngói 7 gian (trước đây là khu bếp) có các bài vị, câu đối, các minh khí, các con giống bằng gỗ

Nghè Vẹt cách đó 500m, là một khu nhà gỗ 12 gian còn nguyên vẹn, nguyên là thờ thành hoàng làng, sau chuyển sang thờ các Chúa Trịnh.

Nghè vẹt là khu nhà bằng gỗ - có 12 gian thờ 12 bài vị của 12 vị chúa Trịnh. Đến nay khu di tích này hầu như còn nguyên vẹn.

Khu lăng miếu Triệu Tường

Năm 1545, khi Nguyễn Kim mất được đưa đến án tang tại núi Thiên Tôn. Năm 1803 vua Gia Long cho xây gần đó một miếu 3 gian 2 chái thờ Nguyễn Kim và để thờ vọng Nguyễn Hoàng (1558 – 1613).

 Miếu được đặt tên là Nguyên miếu (sau còn gọi là miếu Triệu Tường). Cạnh đó còn có miếu thờ Trừng Quốc Công thân phụ Nguyễn Kim.

Năm 1808, Gia Long đặt tên cho khu mộ Nguyễn Kim là lăng Trường Nguyên (lăng này không có dấu vết rõ ràng nên chỉ xây nên một nền vuông để bái yết và cúng tế). 

Phủ Na

Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ, nằm trên địa bàn xã Xuân Du, huyện Như Thanh, là nơi có cảnh sắc tươi đẹp với gió núi, mây ngàn, suối reo, thác đổ, rừng đại ngàn âm u chứa đựng biết bao huyền tích lung linh kỳ ảo.

Không gian Phủ Na với rất nhiều đền miếu phối hợp thờ nhiên thần và nhân thần, nhưng nổi bật bao trùm lên tất cả là thờ mẫu: mẫu Thượng Ngàn- Bà Triệu- công chúa Liễu Hạnh.

Hằng năm cứ vào mùa Xuân bắt đầu từ ngày mùng 1 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch và  mùng 1 đến 16 tháng tám (âm lịch).

Di chỉ, khảo cổ văn hóa Đông Sơn.

Đông Sơn là tên một làng nằm ở bờ sông Mã, cách cầu Hàm Rồng khoảng 1km về phía thượng nguồn (thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá). Năm 1924, người nông dân tên gọi Nguyễn Văn Lắm ở làng Đông Sơn khi ra bờ sông Mã câu cá đã tìm thấy một số đồ đồng ở nơi bờ sông sạt lở.

Geldern coi Văn hoá Đông Sơn có vai trò của “văn hoá mẹ” đối với toàn vùng Đông Nam Á. Đỉnh cao của Văn hoá Đông Sơn là nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn mà ở đó, người Việt đã hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và công nghệ chế tạo đồng thau. Đồ đồng đúc có mặt trong toàn bộ đời sống vật chất tinh thần của người Đông Sơn.

Kỹ thuật luyện kim và đúc đồng thời này đã đạt đến trình độ hoàn mỹ. Đồ đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn không thể lẫn với bất cứ nền văn hóa khảo cổ nào khác trên thế giới. Trống đồng là loại di vật điển hình nhất của Văn hóa Đông Sơn.

Trống đồng chính là một linh vật của người Việt cổ được sử dụng trong các lễ hội, nó còn là một bộ sử bằng hình ảnh khi chữ viết chưa phát triển.

Trống đồng Đông Sơn có quy mô đồ sộ, hình dáng cân đối, thể hiện trình độ cao về kỹ năng và nghệ thuật. Trống đồng thể hiện tín ngưỡng, cuộc sống sinh hoạt của người Việt cổ. Có hai loại hoa văn không thể thiếu trên mặt tất cả các trống đồng Đông Sơn là hình Mặt Trời với số cánh chẵn 12, 14, 16 hoặc 18 cánh và Chim Lạc (xuất phát từ việc cư dân Việt cổ gắn với văn minh lúa nước do đó thờ thần mặt trời và những loài chim gắn bó với đồng ruộng).

 Điều đó giúp chúng ta hiểu thêm về đời sống vật chất và tâm linh của dân cư bản địa thời Đông Sơn. Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã chia sưu tập hiện vật Văn hóa Đông Sơn làm các loại chính sau:

  • Vũ khí: Rìu, giáo, lao, dao găm, búa chiến, mũi tên, hộ tâm phiến...
  • Công cụ sản xuất: Rìu, lưỡi cày, cuốc, lưỡi dao gặt...
  • Đồ dùng sinh hoạt: Thạp, thố, bình, khay, đĩa, âu, muôi, thìa...
  • Nhạc cụ: Chuông, trống, lục lạc...
  • Đồ trang sức: Vòng, khuyên tai, hạt chuỗi, trâm, khóa thắt lưng...
Lưu ý: Nội dung bài viết Cẩm nang đi du lịch Thanh Hoá - Sầm Sơn thuộc bản quyền của Du lịch INTOUR CN SAPA. Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại INTOUR CN SAPA. (Hình ảnh sưu tầm từ website. Xin cảm ơn các bạn đã cùng chia sẻ hình ảnh cần thiết).
0979655373