Cẩm nang đi du lịch: Hà Nam
Giới thiệu:
Hà Nam là tỉnh ở phía nam châu thổ sông Hồng, cửa ngõ phía nam của thủ đô Hà Nội. Phía bắc tỉnh Hà Nam giáp Hưng Yên và Hà Tây, phía đông giáp Thái Bình, phía tây giáp Hoà Bình, phía đông nam và nam giáp Nam Định và Ninh Bình. Địa hình của tỉnh đa dạng bao gồm chủ yếu là vùng đồng bằng chiêm trũng, vùng đồi núi, nửa đồi núi. Tỉnh có hai con sông lớn chảy qua đó là sông Đáy và sông Châu Giang.
Khí hậu nhiệt đới, chia làm hai mùa: mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23ºC.
Hà Nam là địa phương có nền văn hiến lâu đời. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thị xã đã bị san phẳng tới ba lần. Ngày nay, thị xã Phủ Lý là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của tỉnh. Tỉnh tuy nhỏ nhưng có khá nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh như Núi Cấm, Ngũ Động Sơn, chùa Bà Đanh, hang Luồn, động Cấm Khả Phong... Tỉnh cũng có nhiều lễ hội truyền thống trong đó hội vật võ Liễu Đôi đã nổi tiếng cả nước.
Chùa Bà Đanh - núi Ngọc
Vị trí: Chùa Bà Đanh - núi Ngọc thuộc thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Ðặc điểm: Chùa thờ Bà Chúa Đanh (thần Pháp Vũ) nổi tiếng linh thiêng. Ngôi chùa cách thị xã Phủ Lý 10km, nằm ở phía hữu ngạn sông Đáy.Khu danh thắng này có diện tích khoảng 10ha, với phong cảnh trời mây sông nước hữu tình, ở xa làng xóm nên tĩnh mịch. Ngôi chùa hướng chính nam nhìn ra dòng sông Đáy nên thơ. Tương truyền chùa có từ thế kỷ thứ 7, ban đầu nơi đây là một ngôi đền nhỏ thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Đến đời vua Lê Hy Tông ( 1675- 1705), đền được xây dựng lại to đẹp khang trang hơn. Người dân thấy phong cảnh đẹp, đền linh thiêng nên chuyển ngôi đền ở vị trí thường bị ngập lụt và rước tượng Phật về phối thờ, từ đó gọi là chùa Bà Đanh. Một trong số báu vật ở đây là bức tượng Bà Chúa Đanh (thần Pháp Vũ) tư thế ngồi trên ngai, toàn bộ đặt trên một gốc cây to; nhiều di vật khác được lưu giữ mang phong cách thời Lý-Trần.
Qua nhiều lần trùng tu, quy mô đền như hiện nay là lần tu sửa năm Thành Thái thứ 8 (1897), kiến trúc hoàn chỉnh gồm: tam quan, thiên hương, tiền tế, trung từ, hậu cung. Tòa tiền tế, trung từ có nhiều bức cốn chạm khắc đề tài tứ linh, tứ quý. Hậu cung có tượng Dương Quý Phi cùng hai người hầu là Kim Thị và Liễu Thị, niên đại thế kỷ 17- 18.
Sau khi thắp hương ở chùa, du khách đi tiếp lên đỉnh núi Ngọc, qua khu vườn cây trái xum xuê, trong đó có cây si già ngàn năm tuổi. Với cảnh quan trời mây sông nước hữu tình, lại có chùa Bà Đanh rất linh thiêng, điểm du lịch này ngày càng thu hút đông đảo khách thập phương đến lễ Phật và vãn cảnh.
Chùa Bà Đanh là một danh thắng của đất Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, từ xa xưa vẫn gắn liền với câu thành ngữ nổi tiếng “vắng như chùa Bà Đanh”. Trên đường tìm đến ngôi chùa này, tôi cứ ngẫm nghĩ và tò mò mãi, không biết chùa Bà Đanh vắng vẻ, hiu quạnh thế nào mà dân gian lại lưu truyền như vậy?
Từ thành phố Phủ Lý rẽ vào quốc lộ 21, đi cầu Quế khoảng hơn 1km, chúng tôi thấy chùa Bà Đanh thấp thoáng hiện ra sau những bóng cây. Ngôi chùa u tịch nhìn ra con sông Đáy trôi chảy hiền hòa. Bến nước của chùa Bà Đanh nằm thoai thoải bên bờ sông, các bậc đá màu xám ngà ngà nổi bật giữa màu xanh của cây cỏ và dòng nước phẳng lặng như gương.
Con đường nhỏ dẫn vào chùa Bà Đanh rợp bóng nhãn, vải
Đi qua chiếc cầu treo Cấm Sơn khá bề thế bắc qua sông Đáy, vòng lên một đoạn đường đê vắng vẻ, chúng tôi bắt gặp tấm biển bằng đá ghi “Di tích lịch sử văn hoá chùa Bà Đanh và núi Ngọc”.
Chùa Bà Đanh thuộc địa phận thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách núi Ngọc khoảng 100m. Từ núi Ngọc và từ chân đê, đi qua những đoạn đường nhỏ vắng lặng rợp bóng vải thiều, nhãn..., du khách sẽ thấy tam quan chùa Bà Đanh hướng về phía con sông Đáy thơ mộng.
Khoảng sân rộng được lát đá trồng nhiều loại cây như đa, hoàng lan, sứ… Những cây bưởi trĩu quả vỏ vàng tươi tắn, những cây táo ta sai quả gợi nên hình ảnh một cuộc sống thanh đạm mà trù phú. Đặc biệt, ngôi chùa trồng một cây đào tiên tán thấp có quả to, tròn và dẹt dẹt như bưởi nhưng vỏ nhẵn thín màu xanh bóng, chi chít đầy cành.
Chùa Bà Đanh gồm nhiều công trình như: nhà bái đường, nhà thượng điện, nhà rung đường, phủ thờ Mẫu, nhà tổ… Trên các cột và vì kèo chạm khắc tinh vi theo đề tài “Ngũ phúc”, “Tứ linh”, “Tùng mã”, “Mai điểu”…
Ngay gần đó là một bến nước lớn uy nghiêm nhưng vắng vẻ, trên các bậc lên xuống của bến nước, lá đa rụng đầy gợi không khí u tịch. Đứng trên bến nước, ngắm nhìn khung cảnh sơn thủy hữu tình, cái lặng yên nhắc cho trái tim mẫn cảm nhớ đến câu thơ của Trần Đăng Khoa:
“Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”.
Ngôi chùa của những truyền thuyết dân gian
Chùa Bà Đanh có tên chữ là Bảo Sơn tự, ngoài thờ Phật còn thờ Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu và Tứ Pháp trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (bao gồm Pháp Vân - mẹ Mây, Pháp Vũ - mẹ mưa, Pháp Lôi - mẹ Sấm, Pháp Điện - mẹ Chớp).
Lịch sử xây chùa Bà Đanh gắn liền với nhiều truyền thuyết lạ kỳ như tích về mẹ Phật Man Nương – được cho là nguồn gốc của Tứ Pháp – vốn lưu truyền rộng rãi ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Tượng Bà Chúa Đanh được thờ trong chùa tương truyền là một người con gái được các Thần phái về để trông coi vùng này. Từ khi nhân dân trong vùng xây xong chùa thì sản xuất thuận lợi, không còn thiên tai mất mùa, đời sống trở nên đầm ấm, trù phú. Do đó, trong tâm thức dân gian Bà Chúa Đanh chính là vị thần mùa màng, phù hộ cho nông nghiệp.
Nhiều người kể rằng do chùa Bà Đanh quá linh thiêng nên khách thập phương cũng ít dám ghé qua vì sợ nếu thất lễ sẽ bị trừng phạt. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chùa ở xa khu dân cư, cách trở núi sông, giao thông không thuận tiện nên ít người lui tới. Dù giải thích thế nào thì dường như nguồn gốc câu thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” vẫn là một bí ẩn!
Đền Trúc – Ngũ Động Sơn
Vị trí: Đền Trúc - Ngũ Động Sơn thuộc thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Ðặc điểm: Đền Trúc - Ngũ Động Sơn thờ người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Khu danh thắng này có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi non trùng điệp, có đền Trúc nằm giữa rừng Trúc nên thơ, có hệ thống hang động độc đáo.
Linh thiêng ngôi đền
Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn thuộc thôn Quyển Sơn (xã Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam). Đền nằm ven sông Đáy, dưới chân núi Cấm (hay còn gọi là núi Cuốn Sơn). Đền không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp mà còn có lễ hội hát dặm giàu ý nghĩa, tôn vinh anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.
Các cụ già trông coi đền Trúc kể lại: Xưa kia nơi đây bạt ngàn trúc mọc: Trúc xanh như tóc, trĩu xuống khắp miền. Năm 1089, đoàn chiến thuyền của Lý Thường Kiệt khi chinh phạt phương Nam đi qua thôn Quyển Sơn. Bỗng một trận gió lớn ào ào thổi tới, bẻ gãy cả cột buồm rồi cuốn lá cờ lớn của đoàn quân lên đỉnh núi. Lý Thường Kiệt bèn cho thuyền dừng lại, cùng quân sĩ lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu đại thắng. Lần đó, thắng lớn trở về, Lý Thường Kiệt đã cùng đoàn quân lên đây làm lễ tạ ơn, khao thưởng ba quân và mở hội cho dân làng mừng chiến thắng.
Sự kiện lá cờ bị gió cuốn đã khiến Lý Thường Kiệt đặt tên cho ngọn núi là Cuốn Sơn. Về sau, để tưởng nhớ công lao của vị tướng tài, dân làng Cuốn Sơn đã lập đền thờ Lý Thường Kiệt ở chính nơi ông đã mở hội đền thờ đó chính là Đền Trúc bây giờ. Lễ hội Đền Trúc được mở vào dịp đầu xuân hàng năm từ mùng 10 tháng Giêng đến mùng 6 tháng Hai âm lịch.
Nét nổi bật nhất của lễ hội là trò hát dặm gồm 30 tiết mục với hơn 1.000 câu thơ tương truyền do Lý Thường Kiệt sáng tác... Đến bây giờ những câu hát dặm đã được các nghệ nhân nơi đây mang đi giới thiệu tới 16 quốc gia trên thế giới.
Hang động độc đáo - núi non kỳ vĩ
Ngũ Động gồm 5 động liên hoàn kéo dài hàng trăm mét, ăn sâu vào trong lòng núi Cấm. Lối vào động lên cao, nhìn ra mặt sông Đáy. Lối ra nằm bên kia vách núi, do vậy không khí trong động rất thoáng mát. Động đầu tiên không rộng lắm, trông tựa giống như hàm ếch.
Cảnh trí ở đây rất đặc biệt: Lúc bình minh ánh sáng rực rỡ rọi vào phản chiếu những sắc màu lung linh trên vách động; buổi trưa nắng lọt qua những khe lá trước động tạo thành màu xanh nhạt và buổi chiều là màu tím huyền ảo bởi ánh hoàng hôn. Từ động này, một ngách nhỏ sẽ dẫn du khách đến các động tiếp theo.
Trong các động vô số thạch nhũ rất khác nhau về hình dạng, kích thước: Có cái mọc nhô lên từ mặt đất, có cái lại mọc từ vách động, trần động rủ xuống. Màu sắc nhũ, độ bóng, độ xốp của các nhũ rất đa dạng. Những hòn đá cổ, những nhũ đá mới ẩn sâu trong bóng tối khi có ánh sáng rọi vào do hơi nước phản chiếu ngời lên long lanh như châu ngọc...
Không những thế nếu leo lên được đỉnh núi Cấm sẽ được chiêm ngưỡng bàn cờ tiên bằng đá. Tương truyền rằng, vào những đêm trăng sáng, thần tiên thường về đây mở hội, uống rượu, chơi cờ và ngắm cảnh trần thế. Gần bàn cờ tiên là một vũng vuông lõm sâu thường được gọi là huyệt Đế Vương.
Chùa Long Đọi Sơn
Vị trí: Chùa nằm trên núi Đọi Sơn thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam, cách Phủ Lý khoảng 8km về phía Bắc.
Ðặc điểm: Đây là ngôi chùa cổ có nhiều nét văn hoá nghệ thuật kiến trúc tinh xảo, mang đậm dấu ấn qua các thời kỳ lịch sử. Hàng năm vào ngày 21/3 âm lịch chùa Đọi Sơn mở hội.Với vị trí địa lý thuận lợi, phong cảnh thiên nhiên đẹp, nơi đây là một điểm du lịch khá hấp dẫn. Ngôi chùa được xây dựng trên đỉnh núi, trong khuôn viên 2 hec-ta vườn rừng. Chùa quay về hướng nam, đúng như câu tục ngũ: Đầu gối núi Đọi, chân dọi Tuần Vường, phát tích đế vương, lưu truyền vạn đại.
Chùa Long Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) có tên chữ là Diên Linh tự. Chùa do Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng từ năm 1054 (do tể tướng Dương Đại Gia và mời thiên sư Đàm Cứu Chỉ đến trụ trì và tham gia xây dựng)
Đến đời Lý Nhân Tông, nhà vua này tiếp tục xây dựng phát triển và xây tháp Sùng Thiện Diên Linh từ năm 1118 đến năm 1121. Chùa Long Đọi Sơn đứng vững hơn ba trăm năm.
Ngôi chùa được xây dựng trên đỉnh núi, trong khuôn viên 2 hec-ta vườn rừng. Chùa quay về hướng nam, đúng như câu tục ngữ: "Đầu gối núi Đọi, chân dọi Tuần Vường, phát tích đế vương lưu truyền vạn đại"
Ngay cổng chính, trước tòa tam bảo là nhà bia để tấm bia Sùng Thiện Diên Linh nổi tiếng. Khi xây xong chùa và tháp, nhà vua sai Thượng thư bộ Hình Nguyễn Công Bật soạn văn bia. Văn bia nguyên có tên là Đại Việt quốc dương gia đệ tứ Sùng Thiện Diên Linh tháp bi, được viết xong ngày 6 tháng 7 năm Tân Sửu (1121). Nội dung bài văn bia chủ yếu ca ngợi công lao tài trí của Lý Nhân Tông trong việc xây dựng, kiến thiết và đánh giặc giữ nước
Đầu thế kỷ XV, khi giặc Minh xâm lược nước ta, chùa và tháp đã bị phá hủy hoàn toàn. Riêng bia Sùng Thiện Diên Linh vì không phá nổi, chúng đã lật đổ xuống bên cạnh núi. (Ảnh: Đoàn Đức Thành)
Mãi tới cuối thế kỷ XVI, vào năm 1591 đời Mạc Mậu Hợp, tức là gần 170 năm sau khi bị giặc Minh tàn phá, ngôi chùa bị bỏ phế hoàn toàn, nhân dân địa phương mới "dựng lại bia đổ, bắc lại xà nhà và những chỗ tường hư hỏng, làm cửa xây tường khiến cho sau hơn 500 năm, một nơi thắng cảnh trong chốn tùng lâm lại được mới mẻ" (Bài văn khắc mặt sau bia Sùng Thiện Diên Linh)
Vào năm Tự Đức thứ 13 (1860), chùa Đọi Sơn có sửa sang thượng điện, tiền đường, nhà tổ, siêu hương, gác chuông, nghi môn. Đến năm 1864, chùa lại tiếp tục sửa hành lang, đúc tượng Di Lặc, đúc khánh đồng và đúc khánh đá do sư tổ đời thứ 5 là Thích Chiếu Trường chủ trì xây dựng hoàn chỉnh 125 gian, từ đó trở thành trường Bắc Kỳ Phật giáo. Ngôi chùa lúc này được dựng theo kiểu nội công ngoại quốc (Ảnh: Internet).
Từ dưới chân núi là 373 bậc thang bằng đá xẻ đá phiến nhẵn bóng dãn khách thập phương lên chùa Long Đọi Sơn. (Ảnh: Đoàn Đức Thành)
Từ dưới chân núi là 373 bậc thang bằng đá xẻ đá phiến nhẵn bóng dãn khách thập phương lên chùa Long Đọi Sơn. (Ảnh: Đoàn Đức Thành)
Chiếc chuông cổ được treo trong chùa Long Đọi Sơn (Ảnh: Internet)
Lễ hội chùa Long Đọi Sơn được tổ chức hàng năm vào ngày 21 tháng 3 âm lịch đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân xã Đọi Sơn nói riêng và huyện Duy Tiên nói chung. Với mục đích nhằm quảng bá các công trình kiến trúc tại di tích lịch sử chùa Long Đọi Sơn, đồng thời khơi dậy truyền thống văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương (Ảnh: Phạm Hải).
Lễ hội chùa Long Đọi Sơn được tổ chức hàng năm vào ngày 21 tháng 3 âm lịch đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân xã Đọi Sơn nói riêng và huyện Duy Tiên nói chung. Với mục đích nhằm quảng bá các công trình kiến trúc tại di tích lịch sử chùa Long Đọi Sơn, đồng thời khơi dậy truyền thống văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương (Ảnh: Phạm Hải).
Các di vật của chùa Long Đọi còn giữ được như tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, 6 pho tượng Kim Cương trong 8 pho có từ ngày xưa là những hiện vật rất quý báu đối với việc nghiên cứu văn hóa nước ta cách đây gần một thiên niên kỷ (Ảnh: Phạm Hải).
Chùa Long Đọi Sơn đã trải qua nhiều lần trùng tu, bên cạnh những kiến trúc pho tượng cũ, các kiến trúc pho tượng mới cũng được sắp đặt kỳ công và giữ được nét cổ kính lâu đời của ngôi chùa. Đã gần 1.000 năm qua chùa Long Đọi Sơn cùng với Đất nước, con người Việt Nam chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử và vẫn đứng sừng sững giữa đất trời làm rung động lòng người, thu hút khách tham quan du lịch