Cẩm nang đi du lịch Quảng Bình

1. Sơ Lược

Quảng Bình (các tên gọi cũ khu vực này gồm: Lâm Bình, Tiên Bình, Tân Bình) là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Quảng Bình nằm ở nơi hẹp nhất theo chiều Đông-Tây của dải đất hình chữ S của Việt Nam (50 km theo đường ngắn nhất tính từ biên giới Lào ra biển Đông).[1] Tỉnh này giáp Hà Tĩnh về phía bắc với dãy Hoành Sơn là ranh giới tự nhiên; giáp Quảng Trị về phía nam; giáp Biển Đông về phía đông; phía tây là tỉnh Khăm Muộn của Lào với dãy Trường Sơn là biên giới tự nhiên.

Trong thời kỳ Bắc thuộc, khu vực ngày nay là Quảng Bình có giai đoạn thuộc quận Tượng Lâm, có giai đoạn thuộc quận Nhật Nam. Năm 192, Quảng Bình nằm trong lãnh thổ Lâm Ấp. Đến năm 758 Lâm Ấp đổi tên là Chiêm Thành, Quảng Bình nằm trong 2 châu: Châu Bố Chính và Châu Địa Lý. Khu vực này đã thuộc về Đại Việt sau cuộc chiến tranh Việt Chiêm 1069. Lý Thường Kiệt là người đã xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn trong cương vực lãnh thổ Đại Việt.

Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Bình bị chia cắt tại sông Gianh. Đồng Hới đã trở thành tiền đồn quan trọng của chúa Nguyễn với thành Đồng Hới. Từ ngày 20 tháng 9 năm 1975 đến ngày 1 tháng 7 năm 1989, tỉnh Quảng Bình được sáp nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên.

Quảng Bình có các tuyến giao thông quan trọng bắc – nam Việt Nam chạy qua:quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam. Ngoài ra, tỉnh này còn có giao thông hàng hải (cảng Hòn La, cảng Gianh) và hàng không (sân bay Đồng Hới).


2. Lịch sử

Các khai quật khảo cổ ở khu vực đã chứng tỏ rằng đã có loài người sinh sống ở khu vực này từ thời kỳ đồ đá. Nhiều hiện vật như bình sử, sành, công cụ lao động đã được phát hiện ở đây.[2] Năm 1926, một vị nữ khảo cổ người Pháp Madeleine Colani đã phát hiện nhiều di vật ở các hang động phía tây Quảng Bình. Bà đã kết luận rằng đã có sự hiện diện của văn hóa Hòa Bình ở khu vực này.[3]

Thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang liên bộ lạc, Quảng Bình thuộc bộ Việt Thường.

Thời Hán, Quảng Bình thuộc quận Nhật Nam. Sau khi Champa giành được độc lập và lập nướcLâm Ấp (thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay)các triều vua Champa thường vượt đèo Hải Vân tiến ra cướp phá đất Nhật Nam và Cửu Chân và họ đã làm chủ vùng đát từ đèo Ngang trở vào khi nhà Tấn (Trung Quốc) suy yếu. Từ đó Quảng Bình là vùng đất địa đầu của Champa đối với các triều đại Trung Hoa cũng như các triều đại Việt khi người Việt đã giành được độc lập

Năm 1069, Lý Thánh Tông - vua của Đại Việt đánh Champa bắt được vua Champa đưa về Thăng Long, để được tha vua Champa đã dâng đất (Địa Ly, Bố Chính, Ma Linh) tương ứng với tỉnh Quảng Bình và các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, bắc Hướng Hóa của Quảng Trị ngày nay cho Đại Việt và Quảng Bình chính thức thuộc về Đại Việt từ năm 1069

Đời Lê Trung Hưng có tên là Tiên Bình. Năm 1604 đổi tên là Quảng Bình.

Chúa Nguyễn Phúc Khoát chia Quảng Bình thành 3 dinh: dinh Bố Chính (trước là dinh Ngói), dinh Mười (hay dinh Lưu Đồn), dinh Quảng Bình (hay dinh Trạm).

Tỉnh được thành lập năm 1831, đặt phủ Quảng Ninh, sau đặt thêm phủ Quảng Trạch.

Năm 1976 ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên, đến năm 1990 lại tách ra như cũ.

3. Các thông tin khác

Diện tích

Diện tích tự nhiên của Quảng Bình là 8.065,27 km² (tổng diện tích: 806.527 ha), chia ra như sau:

  • Đất ở: 4.946 ha
  • Đất nông nghiệp: 71.381 ha
  • Đất lâm nghiệp: 601.388 ha
  • Đất chuyên dùng: 23.936 ha
  • Đất phi nông nghiệp khác: 20.670 ha
  • Đất chưa sử dụng: 72.619 ha

(Niên giám thống kê tỉnh Quảng Bình năm 2007)

Vị trí

Phần đất liền của Quảng Bình nằm trải dài từ 16°55’ đến 18°05’ vĩ bắc và từ 105°37’ đến 107°00’ kinh đông. Phía bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Tỉnh có chung biên giới với Lào 201,87 km ở phía Tây, phía đông giáp biển Đông.

Sông ngòi

Trên địa bàn tỉnh có 5 sông lớn là sông Gianh, sông Ròn, sông Nhật Lệ (là hợp lưu của sông Kiến Giang và sông Long Đại), sông Lý Hòa và sông Dinh với tổng lưu lượng 4 tỷ m³/năm. Các sông này do nhiều lưu vực hợp thành và đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đổ ra biển.

Địa hình

Địa hình Quảng Bình hẹp và dốc từ phía Tây sang phía Đông. 85% Tổng diện tích tự nhiên là đồi núi. Toàn bộ diện tích được chia thành vùng sinh thái cơ bản: Vùng núi cao, vùng đồi và trung du, vùng đồng bằng, vùng cát ven biển.

Địa hình có đặc trưng chủ yếu là hẹp và dốc, nghiêng từ tây sang đông, đồi núi chiếm 85% diện tích toàn tỉnh và bị chia cắt mạnh. Hầu như toàn bộ vùng phía tây tỉnh là núi cao 1.000-1.500 m, trong đó cao nhất là đỉnh Phi Co Pi 2017 m, kế tiếp là vùng đồi thấp, phân bố theo kiểu bát úp. Gần bờ biển có dải đồng bằng nhỏ và hẹp. Sau cùng là những tràng cát ven biển có dạng lưỡi liềm hoặc dẻ quạt.

Khí hậu

Quảng Bình nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa và luôn bị tác động bởi khí hậu của phía Bắc và phía Nam và được chia làm hai mùa rõ rệt:

  • Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm 2.000 - 2.300mm/năm. Thời gian mưa tập trung vào các tháng 9, 10 và 11.
  • Mùa khô từ tháng 4 đến tháng 8 với nhiệt độ trung bình 24oC - 25oC. Ba tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 6, 7 và 8.

Nhiệt độ bình quân các tháng trong năm của thành phố Đồng Hới, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Bình.

Nhiệt độ trung bình/thángMộtHaiBaNămSáuBảyTámChínMườiM.mộtM.hai
Cao nhất (°C) 22 23 25 29 32 34 34 33 31 28 26 23
Thấp nhất (°C) 17 18 20 23 25 27 27 26 25 23 21 18
Nguồn: msn weather

Đât đai

Tài nguyên đất được chia thành hai hệ chính: Đất phù sa ở vùng đồng bằng và hệ pheralit ở vùng đồi và núi với 15 loại và các nhóm chính như sau: nhóm đất cát, đất phù sa và nhóm đất đỏ vàng. Trong đó nhóm đất đỏ vàng chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên, chủ yếu ở địa hình đồi núi phía Tây, đất cát chiếm 5,9% và đất phù sa chiếm 2,8% diện tích.

Hệ động, thực vật

Quảng Bình nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn - nơi có khu hệ thực vật, động vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm. Đặc trưng cho đa dạng sinh học ở Quảng Bình là vùng Karst Phong Nha - Kẻ Bàng.

Về động vật có: 493 loài, 67 loài thú, 48 loài bò sát, 297 loài chim, 61 loài cá... có nhiều loài quý hiếm như Voọc Hà Tĩnh, Gấu, Hổ, Sao La, Mang Lớn, Gà Lôi lam đuôi trắng, Gà Lôi lam mào đen, Trĩ...

Về đa dạng thực vật: Với diện tích rừng 486.688 ha, trong đó rừng tự nhiên 447.837 ha, rừng trồng 38.851ha, trong đó có 17.397 ha rừng thông, diện tích không có rừng 146.386 ha. Thực vật ở Quảng Bình đa dạng về giống loài: có 138 họ, 401 chi, 640 loài khác nhau. Rừng Quảng Bình có nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, mun, huỵnh, thông và nhiều loại mây tre, lâm sản quý khác. Quảng Bình là một trong những tỉnh có trữ lượng gỗ cao trong toàn quốc. Hiện nay trữ lượng gỗ là 31triệu m3.

Biển, đảo

Tỉnh có bờ biển dài 116,04 km ở phía Đông với 5 cửa sông, trong đó có hai cửa sông lớn, có cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, cảng Hòn La, Vịnh Hòn La có diện tích mặt nước 4 km2, có độ sâu trên 15 mét và xung quanh có các đảo che chắn: Hòn La, Hòn Cọ, Hòn Chùa có thể cho phép tàu 3-5 vạn tấn vào cảng mà không cần nạo vét. Trên đất liền có diện tích khá rộng (trên 400 ha) thuận lợi cho việc xây dựng khu công nghiệp gắn với cảng biển nước sâu

Quảng Bình có vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km². Ngoài khơi lại có các đảo Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm, Hòn Cỏ, Hòn Chùa nên đã hình thành các ngư trường với trữ lượng 10 vạn tấn hải sản các loại.

Bờ biển có nhiều thắng cảnh đẹp, cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền tạo cho Quảng Bình có một ngư trường rộng lớn với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn và phong phú về loài (1650 loài), trong đó có những loại quý hiếm như tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang, san hô. Phía Bắc Quảng Bình có bãi san hô trắng với diện tích hàng chục ha, đó là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất hàng mỹ nghệ và tạo ra vùng sinh thái của hệ san hô. Điều đó cho phép phát triển nền kinh tế tổng hợp vùng ven biển.

Mặt nước nuôi trồng thủy sản: Với 5 cửa sông, Quảng Bình có vùng mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản khá lớn. Tổng diện tích 15.000 ha. Độ mặn ở vùng mặt nước từ cửa sông vào sâu khoảng 10–15 km giao động từ 8-30%o và độ pH từ 6,5- 8 rất thuận lợi cho nuôi tôm cua xuất khẩu. Chế độ bán nhật triều vùng ven biển thuận lợi cho việc cấp thoát nước cho các ao nuôi tôm cua.

Thủy văn

Quảng Bình có hệ thống sông suối khá lớn với mật độ 0,8 - 1,1 km/km2. Có năm sông chính là sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Dinh và sông Nhật Lệ. Có khoảng 160 hồ tự nhiên và nhân tạo với dung tích ước tính 243,3 triệu m3.

Khoáng sản

Quảng Bình có nhiều loại khoáng sản như vàng, sắt, titan, pyrit, chì, kẽm... và một số khoáng sản phi kim loại như cao lanh, cát thạch anh, đá vôi, đá mable, đá granit... Trong đó, đá vôi và cao lanh có trữ lượng lớn, đủ điều kiện để phát triển công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng với quy mô lớn. Có suối nước khoáng nóng 105oC. Trữ lượng vàng tại Quảng Bình có khả năng để phát triển công nghiệp khai thác và chế tác vàng.

Biển số xe

Đồng Hới: 73A1-xx.xxx,73B1-xx.xxx-73V-xxxx,73N-xxxx,73K-xxxx

Minh Hóa:73C1-xx.xxx,73M1-xxxx,73N-xxxx,73K-xxxx

Tuyên Hóa: 73D1 -xx.xxx,73M1-xxxx,73N-xxxx,73K-xxxx

Quảng Trạch:73F1-xx.xxx,73P-xxxx,73N-xxxx,73K-xxxx

Bố Trạch: 73E1-xx.xxx,73P-xxxx,73N-xxxx,73K-xxxx

Quảng Ninh:73H1-xx.xxx,73L1-xxxx,73N-xxxx,73K-xxxx

Lệ Thủy:73G1-xx.xxx,73L1-xxxx,73N-xxxx,73K-xxxx

Dân số và lao động

Dân số Quảng Bình năm 2007 có 854.918 người. Phần lớn cư dân địa phương là người Kinh. Dân tộc ít người thuộc hai nhóm chính là Chứt và Bru-Vân Kiều gồm những tộc người chính là: Khùa, Mã Liềng, Rục, Sách, Vân Kiều, Mày, Arem, v.v... sống tập trung ở hai huyện miền núi Tuyên Hóa và Minh Hóa và một số xã miền Tây Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Dân cư phân bố không đều, 86,83% sống ở vùng nông thôn và 14,4% sống ở thành thị. Quảng Bình có nguồn lao động dồi dào với 421.328 người, chiếm khoảng 49,28% dân số. Về chất lượng lao động, theo điều tra dân số thời điểm 1/4/1999 có: 10.720 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó 4.676 cao đẳng, 6.042 đại học và trên đại học. Lực lượng lao động đã qua đào tạo gần 33.000 người chiếm 8% số lao động.

Văn hóa

Quảng Bình là vùng đất văn vật, có di chỉ văn hóa Bàu Tró, các di chỉ thuộc nền văn hóa Hòa Bình và Đông Sơn, nhiều di tích lịch sử như: Quảng Bình Quan, Luỹ Thầy, Rào Sen, Thành Nhà Ngo, thành quách của thời Trịnh - Nguyễn, nhiều địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Cha Lo, Cổng Trời, Xuân Sơn, Long Đại, đường Hồ Chí Minh v.v... Trong quá trình lịch sử, đã hình thành nhiều làng văn hóa nổi tiếng và được truyền tụng từ đời này sang đời khác như “Bát danh hương”: “Sơn- Hà- Cảnh - Thổ- Văn- Võ- Cổ - Kim”. Nhiều danh nhân tiền bối học rộng, đỗ cao và nổi tiếng xưa và nay trên nhiều lĩnh vực quân sự, văn hoă - xã hội như Dương Văn An, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Tuy Lộc hầu Đặng Đại Lược, lãnh Đức hầuĐặng Đại Độ, Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân, Nguyễn Hàm Ninh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Thanh Đạt,...

Quảng Bình là vùng giao thoa của hai nền văn hóa cổ Việt - Chămpa, thể hiện ở những di chỉ có niên đại 5 nghìn năm đã khai quật được ở Bàu Tró, phía bắc Đồng Hới.

4. Thắng Cảnh

Thắng Cảnh – Điểm Tham Quan Quảng Bình: Quảng Bình nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng  ngoài ra còn có biển Nhật Lệ, Bãi Đá Nhảy, Suối nước nóng Bang , Hang Tám Cô…

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là một vườn quốc gia tại huyện Bố Trạch, và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50 km về phía Tây Bắc. Vườn có diện tích hơn 5000 ha với nhiều hệ thống hang động phong phú, cùng các điều kiện địa hình, địa mạo và sinh vật khác biệt. Phong Nha-Kẻ Bàng là một trong năm di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2003.

Phong Nha-Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000 ha thuộc lãnh thổ Việt Nam, khu vực lãnh thổ Lào tiếp giáp vườn quốc gia này cũng có diện tích núi đá vôi khoảng 200.000 ha. Tại Phong Nha-Kẻ Bàng có một hệ thống gồm khoảng 300 hang động lớn nhỏ. hệ thống động Phong Nha đã được Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với 4 điểm nhất: có các sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, những bờ cát rộng và đẹp nhất, những thạch nhũ đẹp nhất .

Về cơ bản, có 3 hệ thống hang động chinh là: hệ thống động Phong Nha, hệ thống Hang Vòm và hệ thống hang Rục Mòn, trong đó các hệ thống hang Vòm và hang Phong Nha ở huyện Bố Trạch đều đổ nước về sông Son, còn hệ thống hang Rục Mòn nằm ở huyện Minh Hoá.Các hang động chính : Động Phong Nha ;Động Khô (động Tiên Sơn) ; Động Thiên Đường.

Biển Nhật Lệ

Nằm ngay trung tâm TP Đồng Hới, Nhật Lệ là bãi biển có vẻ đẹp trữ tình lãng mạn nhất trong số dải bờ biển chạy dài tỉnh Quảng Bình . Nơi đây, được thiên nhiên khá chiều chuộng, ban cho bãi cát trắng phau và dòng nước biển trong xanh, soi thấu đáy.

Đến với nơi đây, du khách không thể cưỡng mình hoà mình vào làn nước trong vắt, xanh ngắt của Nhật Lệ. Hiếm có nơi nào được ưu ái nhiều như nơi đây, trời, mây, non, nước, cùng hội tụ một màu xanh. Những bãi tắm thoai thoải, rất an toàn, với gió lồng lộng như muốn tưới mát tâm hồn du khách. Ở đây, du khách sẽ được dạo chơi trên bãi cát trắng mịn và sạch sẽ, sóng tung bọt trắng xóa từng đợt dạt vào bờ, liếm vào nhanh vào dấu chân lữ khách để lại như muốn xóa đi cái gì đó bí mật mà cát mới vừa khám phá. Đến đây, bạn sẽ được nhảy múa theo nhịp địu của sóng biển, được xây lâu đài cát, được chơi những trò chơi vô cùng thú vị trên bãi biển.

Biển Đá Nhảy

Đá Nhảy là một thắng cảnh đẹp tại huyện Bố Trạch, tỉnhQuảng Bình, cách Đồng Hới 40 km về phía Bắc. Ở đây có bãi biển đẹp và cảnh dãy núi đá bị biển xâm thực với những mỏm đá nhô ra biển muôn hình muôn vẻ. Năm 1842, vua Thiệu Trị đã dừng chân ở đây và cho khắc bia kỷ niệm.

Đá Nhảy  là một điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua với bãi tắm đẹp còn nguyên sơ và quần thể đá cùng những hang động hình thù kỳ lạ. Nước biển ở đây trong veo, xanh biếc, cát trằng mịn màng. Khách du lịch trong một ngày có thể tham gia rất nhiều loại hình giải trí vận động như chèo thuyền, leo núi, săn bắn; dạo chơi trong rừng dương; thư giãn, bơi lội giữa làn nước trong mát có sóng vỗ nhẹ nhàng. Đá Nhảy không chỉ là khu du lịch nghỉ mát lí tưởng vì có bãi tắm đẹp nằm dưới chân núi, mây nước hữu tình nên thơ mà biển nơi đây có nhiều rạn ngầm, đó chính là nơi cư trú của nhiều loại hải sản quý như: tôm, cá, cua, mực, ốc,… có thể chế biến thành những món đặc sản biển hấp dẫn du khách.

Suối nước nóng Bang

Trên tuyến đường Trường Sơn, các lực lượng chiến đấu cần nơi nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Suối nước nóng khoáng Bang ở Kim Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình) đã được sử dụng vào liệu pháp phục hồi sức khỏe bộ đội trong những năm kháng chiến hết sức hiệu quả.Thượng nguồn sông Kiến Giang có một con suối nhỏ, quanh năm nước nóng phun tự nhiên và thường vào khoảng 105°C. Đó là độ nóng của một suối nước khoáng hàng đầu Việt Nam, bởi rất hiếm có suối nước nóng nào trên đất nước ta phun tự nhiên ở nhiệt độ đó.

Suối nằm dưới khu rừng Động Chùa xanh ngắt, ở địa thế hiểm trở, là căn cứ hết sức bí mật, thuận tiện cho bộ đội trị liệu những năm kháng chiến. Đã có hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ của ta ngâm mình phục hồi sức khỏe ở đây, rồi tiếp tục trở lại chiến trường chiến đấu.Ngày nay, suối Bang trở thành di tích lịch sử trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Từ thành phố Đồng Hới – Quảng Bình theo đường Hồ Chí Minh xuôi về Nam độ 60km sẽ đến ngã tư Thạnh Bàn. Rẽ về hướng tây thêm 12km là vào được suối nước nóng Bang.Suối như một kỳ quan với sức nóng và vẻ đẹp huyễn hoặc của khói từ lòng đất bay lên. Suối chảy theo một thung lũng nhỏ, nhiều gềnh thấp, nước phun lên, đua nhau chảy ra thượng nguồn sông xanh biếc. Nước nóng tỏa ngào ngạt hơi ấm giữa mùa đông khắc nghiệt. Hiện suối nước nóng kỳ diệu này mở cửa cho mọi giới tham quan, thăm thú, trị liệu. Ở những nơi luồng nước nóng phun lên, khói tỏa nghi ngút, có thể “ngậm chín” các quả trứng gà, hay luộc chín các thức ăn tươi mà vẫn giữ được vị đậm đà của món ăn ưa thích..

Hang Tám Cô

Hang Tám cô trên đỉnh Trường Sơn (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) là địa danh lịch sử nổi tiếng, nơi 8 người thanh niên xung phong quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Nơi đây, hiện cũng là điểm đến của khách thập phương tri ân các anh hùng liệt sỹ.

Hang Tám Cô nằm trên cung đường 20 — một phần của đường Trường Sơn huyền thoại, nơi bom đạn Mỹ đánh phá ngày đêm nhằm chặt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và cũng là nơi lực lượng TNXP đổ máu để giữ cho tuyến đường thông suốt. Ngày 14/11/1972, trước cửa hang Tám Cô, tám anh chị TNXP đang san lấp hố bom để thông đường thì máy bay Mỹ ập đến. Họ vội chạy vào hang để tránh bom. Bom rải thảm của giặc Mỹ trên đường Trường Sơn đã đánh sập cửa hang đá nơi TNXP tránh nạn. Đá lở lấp kín cửa hang . Đồng đội và các đơn vị bạn đã quên mình ngày đêm, thay phiên nhau cứu bạn. Mỗi khi nghe tiếng kêu cứu, kêu khát từ trong hang đá vọng ra đồng đội bên ngoài đến tan nát lòng, nức nở lao vào đào bới, tay chân tứa máu, áo đẫm mồ hôi, đầm đìa nước mắt… Họ từng dùng ống tuy-ô bơm nước qua kẽ đá hở vào hang, hòng kéo dài sự sống để tìm cơ cứu nạn. Nhưng tất cả đã vô vọng, bất lực trước núi đá khổng lồ nằm ì, bịt kín cửa hang. Đồng đội chỉ còn biết khóc. Việc phải làm lúc này là ghi tên các liệt sĩ lên tấm bia dựng nép trước cửa hang đá phòng sau ngày kháng chiến thành công khỏi thất lạc. Và, biết đâu, đồng đội những người có mặt hôm nay, trong cuộc tử sinh với kẻ thù còn phải tiếp tục ai còn, ai mất? Tấm bia cũng là nhắc nhở các thế hệ đời sau hãy đọc những trang viết về “Hang 8 cô” theo đó lên Trường Sơn tìm kiếm, tháo mở cửa hang đưa hài cốt các liệt sĩ về với quê nhà sao cho trọn nghĩa, vẹn tình. Và hãy đảm nhận phần việc mà khi còn sống các chiến sĩ từng mơ ước – Đánh thắng giặc Mỹ để xây dựng đất nước, quê hương to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

5. Ẩm Thực

Đặc sản Quảng Bình – Món ăn Ngon ở Quảng Bình: Quảng Bình không chỉ được biết đến với nhiều bờ biển đẹp, nhiều danh thắng làm say lòng du khách mà nơi đây còn có nhiều món ăn khiến ai đã từng thưởng thức đều nhớ mãi không quên.

1. Cháo hàu

Có dịp đến Quảng Bình đừng quên ghé Quán Hàu trên quê hương mẹ Suốt thưởng thức các món hàu thơm, béo và ngọt mát. Quán Hàu, Quảng Ninh, Quảng Bình từ lâu đã nổi tiếng với nhiều món ăn được chế biến từ con hàu lấy từ sông Nhật Lệ. Điều đặc biệt là cũng trên sông này nhưng hàu ở những khúc sông khác không nhiều và ngon bằng hàu ở đoạn qua thị trấn này. Vì vậy mới có chuyện người ta đưa hàu từ nơi khác về ngâm vào nước sông này. Một số người cố gắng lý giải nhưng lời đáp vẫn còn là một bí ẩn. Có lẽ do nơi đây là điểm giao thoa, hòa quyện giữa hai con nước mặn và ngọt như sự kết duyên của một tình yêu đẹp.

Hàu có thể chế biến nhiều món khác nhau như nấu cháo gạo, xào với hành kẹp bánh tráng hoặc nấu canh chua, canh rau tùy sở thích. Riêng món cháo được rất nhiều người ưa thích. Hàu được xào um sẵn với gia vị như hành, ớt, tiêu cùng muối để cho thấm. Khi có khách gọi món này thì chủ quán chỉ việc lấy hàu đã làm cho vào cháo gạo đã nấu ở nồi khác đun ít lửa là sẽ có một tô cháo thơm, ngọt ngào. Nếu không muốn ăn cháo theo kiểu um sẵn thì phải chịu khó đợi làm hàu tươi sống, ướp gia vị đổ vào cháo đang sôi. Ăn theo kiểu này hàu sẽ béo và ngọt hơn.

2. Bánh lộc

Bên cạnh món cháo còn có bánh lọc bột sắn, tôm sông. Nguyên liệu của bánh lọc chỉ đơn giản là bột sắn lọc, tôm, mộc nhĩ và một ít gia vị khác của vườn nhà. Tôm dùng để làm bánh chỉ là loại tôm nhỏ ở cửa sông, vừa đậm vị phù sa vừa mặn mòi vị biển. Bột sắn khi đã lọc đem luộc chín vài phần, phần nhân bên trong còn trắng. Vớt bột ra để nguội, đem phần sống, phần chín trộn nhồi kỹ với nhau, đây là thao tác công phu nhất của món ăn này. Mỗi chiếc bánh bọc một con tôm, ít lát thịt rim và gia vị, vắt thành hình một tai bèo nhỏ. Có thể đem trụng (nhúng) nước sôi ăn ngay hay gói lá chuối đem hấp. Loại bánh này có thể để nhiều ngày, khi ăn đem hấp lại cho nóng, vẫn thơm ngon. Bánh lọc Quảng Bình được chấm với nước mắm chắt Quảng Bình, vài lát ớt cay xé lưỡi sẽ khiến thực khách nhớ mãi không quên.

3. Khoai deo

Khoai dẻo cũng là một đặc sản tại Quảng Bình. Từ củ khoai có thể chế biến nhiều món ăn khác nhau từ bình dân đến sang trọng như khoai nướng, khoai chiên, khoai luộc, khoai nấu chè, khoai làm bánh, khoai làm mứt, nhưng có lẽ đặc biệt nhất là món khoai deo. Khoai sau khi thu hoạch về, để một thời gian cho bớt bột mới luộc rồi bóc vỏ, thái từng lát mỏng đem phơi. Chế biến khoai deo phải chờ những ngày nắng to khoai mới nhanh khô, dẻo, trong và thơm ngọt. Du khách đến Quảng Bình ai cũng mang khoai deo về làm quà như thứ hương vị rất riêng của vùng đất này. Chợ Đồng Hới là nơi bày bán khoai deo ngon và rẻ nhất.

4. Đẻn Biển

Những món từ đẻn biển được đánh giá là tươi ngon và bổ dưỡng. Tuy được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng được người ta biết đến nhiều nhất ở thành phố này là tiết đẻn và ram đẻn.

Tiết đẻn (hải xà huyết) là thứ mà du khách bốn phương tò mò muốn thưởng thức hơn cả. Người ta thường lấy tiết đẻn vừa hứng được đem pha với rượu, rất thơm mà còn chữa được bệnh nhức xương. Bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp những bình rượu ngon được trưng bày, bên trong là những con đẻn được ngâm ít nhất 3 đến 5 ngày trước đó. Ngoài rượu đẻn thì ram cũng là một món cực ngon từ đẻn biển. Thịt của đẻn chứa nhiều protid và acid amin nên rất ngon và bổ dưỡng. Vị đặc trưng của ram đẻn nơi đây thật khó để diễn tả hết bằng lời. Những con đẻn được làm sạch sẽ, lấy hết ruột và huyết đen trên sống lưng, băm thật nhuyễn rồi cho gia vị vào trộn đều. Ướp được một lúc cho thấm thì đem cuốn lại thành từng chiếc ram nhỏ, bắc lên chảo rán đều. Khi ấy, bạn sẽ cảm nhận một mùi thơm bốc lên thật cuốn hút, chưa ăn nhưng cũng thấy thòm thèm! Một đĩa ram đẻn nóng hổi thơm ngon sẽ khiến du khách bốn phương muốn ở mãi không về…

5. Bánh xèo gạo lứt Quảng Hòa

Loại bánh xèo bằng gạo đỏ, hoa văn nổi đều, đơn giản nhưng phải đủ các món kèm theo: cá chuối làm bằng… quả chuối sứ, nộm, rau sống, bánh đa và nước chấm. Đĩa nộm gồm có giá, rau két và vừng. Đậu đổ giá làm nộm phải loại đậu đỏ, hạt to bậm. Gạo làm bánh xèo là loại lúa mành màu đỏ chỉ xay bóc vỏ lúa (còn có tên gọi là gạo đỏ, gạo lứt) ngâm nước khoảng 5 tiếng đồng hồ rồi đem xay, dùng môi múc cả nước và gạo bỏ vào cối xay từ từ. Xay được 2 lần cho gạo mịn. Xay xong, bỏ một ít muối, hành hẹ thái nhỏ vào trong thau nước bột gạo.Khuôn tráng bánh cũng do bàn tay người đàn ông Quảng Hòa làm ra, miệng lớn hơn bát ăn cơm một tí, thành khuôn mỏng, cao khoảng 1,5cm, đáy bằng phẳng. Bếp làm có thể tráng một lúc được nhiều khuôn. Bếp thật đỏ lửa mới bỏ khuôn lên, khi tráng bánh chú ý lửa thật đỏ và đều thì bánh mới nở dậy, có hình hoa văn.  Khi khuôn đã nóng, dùng môi hay tàu chuối tẩm mỡ chà lên đáy khuôn rồi múc bột gạo tráng lên. Tráng đến khuôn thứ 3 thì bánh khuôn đầu đã chín, cứ lần lượt làm như thế.

Món cá chuối lạ mắt nhất. Nguyên liệu chính là những quả chuối sứ (loại chuối có hạt) chưa già nhưng cũng không non quá. Người ta hái xuống, gọt vỏ, ngâm với phèn hoặc chanh rồi thái nhỏ. Sau đó luộc, uốn hình thù con tôm, con cá. Rồi lấy từng con cá chuối nhúng qua vào bát gia vị. Lúc sắp cá lên đĩa, có thể rưới thêm một ít gia vị có ớt, tỏi. Như vậy trong mỗi lát cá đều thấm gia vị. Khi ăn, lấy bánh xèo cuốn rau sống, nộm, cá chuối lại rồi kẹp vào bánh đa. Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc vừa tráng xong, tráng tới đâu ăn tới đó. Cầm miếng bánh trên tay, cảm nhận được sự nóng hổi của mùi thơm gạo lứt thì thật tuyệt vời.

Thế mới biết, vị mặn mòi của biển và nắng gió Quảng Bình đã tạo cho các sản vật của vùng đất này hương vị riêng thơm ngon, đậm đà mà rất tự nhiên. Du khách có thể mua các đặc sản nổi tiếng như cá, mực khô… ở các chợ Quảng Bình, đặc biệt là các chợ ven biển như Đồng Hới, Hoàn Lão, Cảnh Dương.

0979655373